Dù mới đang trong giai đoạn lấy ý kiến hoàn thiện lần 2 nhưng dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 49/2016/TT-BGTVT quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đang gây nhiều chú ý và tạo ra các ý kiến trái chiều, đặc biệt khi Bộ GTVT đề xuất bỏ quy định về khoảng cách tối thiểu 70km giữa các trạm và “lắc đầu” với đề nghị lấy ý kiến người dân địa phương, hiệp hội vận tải ôtô.
Bỏ đề xuất trạm thu phí khoảng cách 70km |
Địa phương muốn lấy ý kiến dân, Bộ GTVT muốn bỏ vì khó làm?
Trong văn bản góp ý xây dựng dự thảo, khá nhiều địa phương cho rằng cần lấy ý kiến người dân địa phương. Cụ thể, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị bổ sung quy định “trạm thu giá phải nằm trong phạm vi dự án đầu tư mới và phù hợp với quy hoạch đường, được Bộ GTVT quyết định thành lập trạm thu giá (đối với quốc lộ); được UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cùng cấp quyết định thành lập trạm thu giá (đối với đường địa phương).
Vị trí trạm phải được sự thống nhất của các cơ quan địa phương (HĐND, UBND, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hiệp hội Vận tải ôtô), đồng thời được sự đồng thuận của nhân dân địa phương trong phạm vi bán kính 5km-10km xung quanh vị trí dự kiến đặt trạm, không phân biệt địa giới hành chính”.
Tương tự, Sở GTVT Hà Tĩnh đề xuất phải “có ý kiến thống nhất của các cơ quan địa phương (Hội đồng nhân dân, UBND cấp tỉnh, huyện, xã, Đoàn ĐBQH, Hiệp hội Vận tải ôtô), đồng thời lấy ý kiến tham gia của nhân dân địa phương”. Trong khi đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị bổ sung thêm phần hướng dẫn chi tiết nội dung, phương thức lấy ý kiến tham gia của nhân dân địa phương hoặc xem xét bỏ nội dung này.
Trong khi đó, Bộ KHĐT lại cho rằng việc lấy ý kiến của các cơ quan liên quan về vị trí đặt trạm thu giá sẽ ảnh hưởng tiến độ phê duyệt dự án và đề nghị quy định rõ việc lấy ý kiến được thực hiện trong giai đoạn nào của dự án; đồng thời quy định rõ cách thức triển khai thực hiện công tác lấy ý kiến tham gia của người dân nhằm tránh việc lấy ý kiến mang tính hình thức.
Còn Vụ Pháp chế, Bộ GTVT lại nhận định cần xem xét lại tính khả thi của quy định lấy ý kiến người dân và cho rằng cân nhắc quy định này vì đã quy định lấy ý kiến của HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội, là những cơ quan do dân bầu, đại diện cho nhân dân địa phương.
Tương tự, VCCI nhận định việc lấy ý kiến các cơ quan địa phương và tham vấn ý kiến nhân dân có thể sẽ phát sinh nhiều vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề nghị quy định rõ về cơ quan địa phương được tham vấn, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp vận tải. Với người dân địa phương, hình thức tham vấn bao gồm đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ GTVT và của UBND tỉnh, thời gian ít nhất 45 ngày.
Ngoài ra thông báo qua các hình thức họp dân cư, phương tiện thông tin đại chúng... đồng thời bổ sung quy định thời điểm tham vấn đối với các dự án đối tác công tư và trước khi ký hợp đồng nhằm tránh xung đột, gây rủi ro trong quá trình đầu tư và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Liên quan tới việc lấy ý kiến của Hiệp hội vận tải, nhiều cơ quan cho rằng cần rà soát tên gọi “Hiệp hội Vận tải ôtô” hay là “Hiệp hội Vận tải Việt Nam”.
Trao đổi với Báo Lao Động, một thành viên ban soạn thảo chia sẻ sau khi họp lấy ý kiến nhiều cơ quan trong và ngoài ngành, tổ soạn thảo đã đề xuất bỏ quy định lấy ý kiến người dân cũng như Hiệp hội vận tải ôtô vì lo ngại tính khả thi của quy định trên. Việc lấy ý kiến người dân trong khi đã lấy ý kiến thống nhất của Hội đồng nhân dân có thể dẫn tới chồng chéo, dân chủ hình thức và làm tăng chi phí, kéo dài thời gian triển khai dự án.
Quy định khoảng cách tối thiểu 70km, bỏ vì không có cơ sở nghiên cứu
Liên quan tới việc bỏ quy định khoảng cách tối thiểu 70km từng được đưa ra trong Thông tư 159/2013/TT-BTC Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ của Bộ Tài chính, ông Phạm Tuấn Anh - Vụ trưởng vụ Kết cấu Hạ tầng - đơn vị chủ trì soạn thảo thông tư cho biết lúc đầu đơn vị soạn thảo có đưa vào dự thảo tiếp nối quy định 70km từ trước nhưng sau đó đưa ra họp bàn các cơ quan đơn vị trong và ngoài ngành thì nhận thấy không có cơ sở nào nghiên cứu cũng như lý giải con số 70km nói trên, nên bản soạn thảo đề xuất chỉ đưa ra nguyên tắc thôi. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng cho rằng việc quy định khoảng cách gặp khó khăn vì có thể rơi vào khu vực dân cư đông và không phù hợp với các thông tư hiện hành…
Đề xuất này khiến dư luận băn khoăn, lo ngại về nguy cơ trạm thu giá mọc lên san sát nhưng lại được một số chuyên gia trong ngành ủng hộ. Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng không nên quy định cứng nhắc với con số 70km vì thời gian qua người dân phản ứng với một số dự án BOT không hẳn vì khoảng cách giữa các trạm mà vì làm trên đường độc đạo, cải tạo đường cũ rồi thu phí kiểu cào bằng, dân không có quyền lựa chọn thậm chí không sử dụng dịch vụ cũng đóng phí.
Vì thế, nếu làm đường mới hoàn toàn như cao tốc Bắc-Nam, người dân có sự lựa chọn thì vấn đề khoảng cách quy định cứng là bao nhiêu không quan trọng. Cùng quan điểm, một chuyên gia khác trong ngành cho rằng quy định này không cần thiết nếu các trạm thu giá BOT chỉ có trong các dự án làm đường mới và việc thu giá tự động không dừng được triển khai trên cả nước.
Còn theo đại diện Bộ Tài chính, quy định khoảng cách như trên chỉ phù hợp với các dự án áp dụng phương pháp thu hở (không theo kilômét) song không phù hợp với các dự án thu kín (theo kilômét).
Hiện Bộ GTVT vẫn đang lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành, chuyên gia cũng như người dân và theo kế hoạch, đến ngày 8.6.2018, bộ mới dừng lấy ý kiến cho dự thảo lần 2.
0 nhận xét: