22 thg 10, 2019

Tiếp tục quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến trước việc tỉnh Kiên Giang đề nghị dừng quy hoạch đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang lập mới quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế), theo văn bản số 739, tháng 6/2018 của Thủ tướng. Quy hoạch đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch có liên quan và quy định của pháp luật.


Đầu tháng 8, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang có văn bản đề nghị Thủ tướng cho dừng việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc thành "đặc khu kinh tế" cho tới khi Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua. Kiên Giang muốn sử dụng ngân sách địa phương để lập mới quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo hướng trở thành "khu kinh tế".

Trước đó, tháng 6/2018, Thủ tướng đồng ý chủ trương cho phép tỉnh Kiên Giang lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc và lập mới Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc theo định hướng phát triển thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Kiên Giang chọn và chỉ định thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch theo Luật Đấu thầu và các quy định khác.

Theo lãnh đạo tỉnh, Quốc hội vẫn chưa đưa trở lại Dự án Luật Đặc khu vào chương trình xây dựng pháp luật sau khi hoãn xem xét vào cuối năm 2018. Do đó, việc quy hoạch tỉnh gặp vướng mắc khi chưa xác định cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, nội dung quy hoạch và lập hội đồng thẩm định.

20 thg 10, 2019

Happy Vietnamese Women's day!

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, VITD xin gửi lời chúng tới các bà, các mẹ, các chị, các em mạnh khỏe, niềm vui và thật nhiều hạnh phúc!

Phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh kiên cường, bất khuất. Họ là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến, cũng là người xông pha vào lửa đạn “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Chúng ta biết ơn những người mẹ Việt Nam anh hùng đã cạn khô nước mắt bởi “3 lần tiễn con đi, 2 lần khóc thầm lặng lẽ” để cho chúng ta có được độc lập, tự do hôm nay.


Trong thời bình, những người phụ nữ Việt Nam với đức tính cần cù, sáng tạo, thông minh, chịu thương chịu khó đã vươn lên để làm chủ tri thức, khoa học, công nghệ nhưng vẫn không quên đi thiên chức của mình. Chúng ta có thể thấy rằng từ trên các diễn đàn chính trị, kinh tế, văn hóa, thể dục thể thao đến bàn ăn ấm cúng của gia đình đều không thể thiếu các bóng hồng vĩ đại.

Trải qua những thăng trầm họ luôn gìn giữ và xứng đáng với 8 chữ vàng Bác Hồ trao tặng “ANH HÙNG - BẤT KHUẤT - TRUNG HẬU - ĐẢM ĐANG”.

Hôm nay, ngày 20/10/2019, thay mặt toàn bộ "đám mày râu", VITD xin một lần nữa kính chúc các bà, các mẹ, các chị em có 1 ngày Phụ nữ Việt Nam thật vui vẻ bên những người thân yêu!

Happy Vietnamese Women's day!

2 thg 10, 2019

Đô thị di sản Huế sẽ mở rộng gấp 5 lần

Tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ xây dựng Huế thành đô thị di sản - thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và mở rộng đô thị Huế gấp 5 lần TP. Huế hiện hữu.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa thông qua Đề án Xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 và Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP. Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.


Theo UBND tỉnh, Huế hiện là đô thị di sản, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, quy mô đô thị Huế nhỏ so với tốc độ phát triển, mật độ dân số cao (5.029 người/km2, trong khi quy định là 2.000 người/km2), hạ tầng xã hội khu vực trung tâm đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Do đó, đòi hỏi phải xem xét tính đến việc mở rộng đô thị.

Theo đề án mới được thông qua, phạm vi mở rộng đô thị Huế gồm TP. Huế hiện hữu (70,67km2) và các thị xã Hương Thủy, Hương Trà, một phần huyện Phú Vang với diện tích khoảng 348,54km2 (rộng gấp 5 lần TP. Huế hiện hữu).

Tỉnh cũng chủ trương xây dựng Huế trở thành đô thị di sản - thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường, xứng tầm là trung tâm văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước.

Đồng thời phát triển các ngành kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Trong đó xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; ngành công nghiệp sẽ tạo bước đột phá phát triển kinh tế, đặc biệt chú trọng phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ cao, thân thiện môi trường; phát triển nông nghiệp sạch, bền vững ứng dụng công nghệ cao.

Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới, tỉnh tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế.

Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và kinh tế tri thức. Xây dựng đô thị thông minh, phục hồi, tôn tạo, bảo vệ, phát huy di sản cố đô Huế và xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, tỉnh sẽ phát triển mạnh các thành phần kinh tế. Quan tâm phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế.

(Theo Baochinhphu.vn)


17 thg 9, 2019

Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2025

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định 1114/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Hải Phòng khu vực quận Dương Kinh và quận Đồ Sơn.
Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 16/9/2009.


Khu vực điều chỉnh cục bộ lô A70, A71 và A79 thuộc phường Tân Thành - quận Dương Kinh và phường Ngọc Hải, Ngọc Xuyên - quận Đồ Sơn: Không thay đổi các tính chất và các định hướng phát triển chung của khu vực; điều chỉnh vị trí, quy mô sân golf, đất khu đô thị mới kết hợp dịch vụ du lịch, bổ sung đất cây xanh cảnh quan khu vực cửa sông Lạch Tray;
Điều chỉnh giảm diện tích đất đô thị mới khoảng 42ha và đất cây xanh công viên, sinh thái khoảng 61ha; điều chỉnh tăng đất cây xanh thể dục thể thao (sân golf) khoảng 15ha và đất hỗn hợp, dịch vụ (đất ở, đất thương mại dịch vụ du lịch...) khoảng 69ha, đất công nghiệp khoảng 11ha; bổ sung tăng khoảng 125ha đất cây xanh sinh thái.
Khu vực điều chỉnh cục bộ lô A86 thuộc phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn: Điều chỉnh mở rộng ranh giới để quản lý phát triển các không gian mặt nước, bổ sung diện tích sân golf; tính chất, chức năng cơ bản tuân thủ theo điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung năm 2011; giữ nguyên chức năng sử dụng đất và quy mô 350ha theo điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung năm 2011, bổ sung tăng 130ha đất xây dựng sân golf từ đất mặt nước.
UBND thành phố Hải Phòng có trách nhiệm tổ chức công bố, công khai quy hoạch điều chỉnh theo quy định; tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu vực dự án liên quan đến điều chỉnh cục bộ, theo nguyên tắc đảm bảo kết nối các khu vực điều chỉnh quy hoạch với các khu chức năng khác không phá vỡ cấu trúc, định hướng phát triển không gian đô thị.
(Theo Lao động Online)

14 thg 8, 2019

Tạo nền tảng Lập trình Web vững chắc hoàn toàn miễn phí tại NIIT – ICT Hà Nội

Tháng 07/2019, Học viện Quốc tế Đào tạo CNTT NIIT – ICT Hà Nội đã triển khai 5 khóa học nền tảng Lập trình Web cơ bản miễn phí với HTML, CSS, CSS3 và Javascript…

Các buổi học diễn ra với sự có mặt nhiều bạn sinh viên đến từ các trường ĐH hàng đầu như: ĐH BKHN, Đh KTQD, Học viện BCVT, Đại học CN ĐH QGHN, Học viện Kỹ thuật Mật Mã, Đại học Công nghiệp Hà Nội…

Mục đích đào tạo Lập trình miễn phí của NIIT - ICT Hà Nội là gì?

Một số chương trình đào tạo trong chuỗi đào tạo miễn phí cho các bạn sinh viên, các bạn trẻ đam mê CNTT của NIIT – ICT Hà Nội:
  • HTML, HTML5
  • CSS, CSS3
  • JAVASCRIPT, ES6
  • PHP BASIC
  • JAVA CORE
Các chương trình học theo chuỗi đều là miễn phí và được trực tiếp chuyên gia đến từ Doanh nghiệp hướng dẫn từng bước.

Chuyên gia Nguyễn Văn Tuấn đến từ FPT Software (Ảnh: Hội trường VITD)

Mục tiêu của của chuỗi đào tạo FREE này là nhằm góp phần xây dựng mạnh mẽ hơn nữa nguồn nhân lực công nghệ của Việt Nam, truyền lửa đam mê, nuôi dưỡng khát vọng trở thành chuyên gia lập trình cho các bạn trẻ.

“Vì một Việt Nam Hùng Cường”

Bên cạnh đó, chương trình cũng diễn ra với sự tài trợ của các doanh nghiệp phần nhằm ươm mầm các tài năng lập trình, đón ứng viên tiềm năng ngay từ khi họ mới bắt đầu trên con đường trở thành lập trình viên chuyên nghiệp.

Một số hình ảnh của buổi học với phòng học tiêu chuẩn, hiện đại, mang đến không gian học tập tốt nhất để các bạn có thể học lập trình hiệu quả.

Một số hình ảnh của buổi học Lập trình miễn phí.

Khóa học tại NIIT – ICT Hà Nội rất sôi nổi, học viên trao đổi cởi mở, chuyên gia chia sẻ nhiệt tình.

Giảng viên Nguyễn Thành Luân – Senior Developer

Chia sẻ về HTML, HTML5 và Javascript (Ảnh: Hội trường VITD)

Trước giờ bắt đầu học Lập trình

Thông tin về NIIT - ICT Hà Nội

NIIT – ICT Hà Nội

NIIT – ICT Hà Nội là tên viết tắt của Học viện Quốc tế Đào tạo Công nghệ Thông tin NIIT - ICT Hà Nội tiền thân là Trung tâm Tin học Công nghệ được thành lập ngày 11 tháng 06 năm 2002. Ngày 06 tháng 07 năm 2002, Viện Công nghệ Thông tin Quốc gia Ấn Độ (NIIT) đã chính thức chuyển giao công nghệ đào tạo và công nhận NIIT - ICT Hà Nội là đối tác đào tạo bản quyền thứ 2 tại Việt Nam và đầu tiên tại Hà Nội.

NIIT – ICT Hà Nội dạy học lập trình theo phương pháp LACC (Learning Architecture based on Collaborative Constructivism).

Đào tạo học viên, làm tốt công tác giáo dục với tiêu chí:
  • Nâng cao dân trí
  • Đào tạo nhân lực
  • Bồi dưỡng nhân tài
  • Phát triển nhân cách 


HỌC VIỆN QUỐC TẾ ĐÀO TẠO CNTT NIIT - ICT HÀ NỘI

Dạy học Lập trình chất lượng cao (Since 2002). Học làm Lập trình viên. Hành động ngay!
Đc: Tầng 3, 25T2, N05, Nguyễn Thị Thập, Cầu Giấy, Hà Nội
SĐT: 02435574074 - 0914939543 - 0353655150
Email: hello@niithanoi.edu.vn
Fanpage: https://facebook.com/NIIT.ICT/

#niit #niithanoi #niiticthanoi #hoclaptrinh #khoahoclaptrinh #hoclaptrinhjava #hoclaptrinhphp

Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.


Theo đó, về việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND TP. Hà Nội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu quy hoạch các khu đô thị hiện đại, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ trong các khu vực: Đông Anh, Gia Lâm, Yên Viên và Long Biên, hạn chế tối đa việc xây dựng các công trình thấp tầng, góp phần giảm tải khu vực nội đô lịch sử.

UBND TP. Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội - Khu vực xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia tại huyện Đông Anh.

Phó Thủ tướng giao UBND TP. Hà Nội thống nhất với Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh một phần quỹ đất trên địa bàn huyện Gia Lâm để xây dựng các khu đô thị hiện đại, công viên chuyên đề, công viên giải trí, các khu công viên cây xanh; tạo ra khu đô thị hấp dẫn, thu hút người dân, góp phần giảm tải dân số khu vực nội đô lịch sử, đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quy hoạch đô thị và yêu cầu phát triển bền vững.

(Theo hanoimoi)

12 thg 8, 2019

Nguồn gốc và ý nghĩa ngày tết Trung Thu

Ngoài ý nghĩa là khoảng thời gian trẻ em được vui chơi, Tết Trung Thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia.  
Người Việt ăn Tết Trung thu vào ngày rằm tháng 8 âm lịch. Trong dịp này người ta làm cỗ cúng gia tiên và bày bánh trái ra sân cúng mặt trăng.
Nhân dịp Tết Trung thu, người lớn thì uống rượu, thưởng trăng, và hát trống quân; trẻ em thì rước đèn, đi xem múa lân, ca hát các bài hát Trung thu, và vui hưởng bánh kẹo cùng các thứ trái cây do cha mẹ bày ở ngoài sân trong đêm Trung thu dưới hình thức một mâm cỗ. Theo tục lệ, việc trẻ con thưởng thức bánh kẹo trái cây trong đêm Trung thu này được gọi là "phá cỗ."


Nguồn gốc Tết Trung thu

Chuyện xưa kể rằng vua Đường Minh Hoàng (713-741 Tây Lịch) dạo chơi vườn Ngự Uyển vào đêm rằm tháng 8 âm lịch.
Trong đêm Trung thu, trăng rất tròn và trong sáng. Trời thật đẹp và không khí mát mẻ. Nhà vua đang thưởng thức cảnh đẹp thì gặp đạo sĩ La Công Viễn còn được gọi là Diệp Pháp Thiện. Đạo sĩ có phép tiên đưa nhà vua lên cung trăng.
Ở đấy, cảnh trí lại càng đẹp hơn. Nhà vua hân hoan thưởng thức cảnh tiên và du dương với âm thanh ánh sáng huyền diệu cùng các nàng tiên tha thướt trong những xiêm y đủ màu xinh tươi múa hát.
Trong giờ phút tuyệt vời ấy nhà vua quên cả trời gần sáng. Đạo sĩ phải nhắc, nhà vua mới ra về nhưng trong lòng vẫn bàng hoàng luyến tiếc.


Về tới hoàng cung, nhà vua còn vấn vương cảnh tiên nên đã cho chế ra Khúc Nghê Thường Vũ Y và cứ đến đêm rằm tháng 8 lại ra lệnh cho dân gian tổ chức rước đèn và bày tiệc ăn mừng trong khi nhà vua cùng với Dương Quí Phi uống rượu dưới trăng ngắm đoàn cung nữ múa hát để kỷ niệm lần du nguyệt điện kỳ diệu của mình.
Kể từ đó, việc tổ chức rước đèn và bày tiệc trong ngày rằm tháng tám đã trở thành phong tục của dân gian.
Cũng có người cho rằng tục treo đèn bày cỗ trong ngày rằm tháng tám âm lịch là do ở điển tích ngày sinh nhật của vua Đường Minh Hoàng. Vì ngày rằm tháng 8 là ngày sinh nhật của vua Đường Minh Hoàng nên triều đình nhà Đường đã ra lệnh cho dân chúng khắp nơi trong nước treo đèn và bày tiệc ăn mừng.
Từ đó, việc treo đèn bày cỗ trong ngày rằm tháng tám trở thành tục lệ. Người Hoa và người Việt đều làm bánh Trung thu để cúng, ăn, biếu thân bằng quyến thuộc, và đãi khách. Người Hoa và người Việt đều tổ chức rước đèn trong đêm Trung thu.


Ý nghĩa Tết Trung thu

Tết Trung thu của người Việt có nhiều điểm đặc biệt khác với Tết Trung thu của người Hoa.
Theo phong tục người Việt, bố mẹ bày cỗ cho các con để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn.
Cỗ mừng Trung thu gồm bánh Trung thu, kẹo, mía, bưởi, và các thứ hoa quả khác nữa. Đây là dịp để con cái hiểu được sự săn sóc quí mến của cha mẹ đối với mình một cách cụ thể. Vì thế, tình yêu gia đình lại càng khăng khít thêm.
Cũng trong dịp này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng, và các ân nhân khác.
Thật là dịp tốt để con cháu tỏ lòng biết ơn ông bà cha mẹ và để người đời tỏ lòng săn sóc lẫn nhau.
Người Hoa hay tổ chức múa lân trong dịp Tết Nguyên Đán. Người Việt lại đặc biệt tổ chức múa sư tử hay múa lân trong dịp Tết Trung thu.


Con Lân tượng trưng cho điềm lành. Người Trung Hoa không có những phong tục này.
Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát Trống Quân trong dịp Tết Trung thu. Điệu hát Trống Quân theo nhịp ba “thình, thùng, thình.”
Ngày xưa trai gái dùng điệu hát Trống Quân để hát trong những đêm trăng rằm, nhất là vào rằm tháng tám.
Trai gái hát đối đáp với nhau vừa để vui chơi vừa để kén chọn bạn trăm năm. Người ta dùng những bài thơ làm theo thể thơ lục bát hay lục bát biến thể để hát.
Tết Trung thu mới đầu là tết của người lớn để thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên, ăn bánh, và uống trà ngắm trăng rằm vào giữa tiết Thu. Dần dần Tết Trung thu trở thành Tết trẻ em, nhưng người lớn cũng dự phần trong đó.
Các em có dịp vui chơi rước đèn, ca hát, phá cỗ do cha mẹ anh chị bày cho và nhất là có dịp ăn bánh kẹo thả cửa mà không sợ bị trách mắng.
Tết Trung thu là một phong tục rất có ý nghĩa. Đó là ý nghĩa của chăm sóc, của báo hiếu, của biết ơn, của tình thân hữu, của đoàn tụ, và của thương yêu. 

8 thg 8, 2019

Hà Nội xem xét thông qua Quy hoạch phân khu Ga Hà Nội

UBND TP. Hà Nội mới đây đã yêu cầu Sở QH-KT chủ trì xây dựng, trình UBND thành phố xem xét, thông qua Quy chuẩn kỹ thuật quy hoạch kiến trúc tại 4 quận nội đô (Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng); Quy hoạch phân khu Ga Hà Nội và phụ cận.


Tổng diện tích khu vực ga Hà Nội theo đồ án quy hoạch là 98,1ha. Quy mô dân số của khu vực vào khoảng 44.000 người, trong đó có tái định cư tại chỗ dân số hiện trạng khoảng 40.300 người. Trong tổng vốn đầu tư dự kiến 23.800 tỷ đồng, thành phố sẽ đảm nhận khoảng 700 tỷ đồng.

Theo đề xuất TP. Hà Nội đưa ra, khu vực sẽ quy hoạch thành 9 phân vùng không gian chức năng cao 40-70 tầng. Trong đó có 6 khu xây dựng cao 40-70 tầng gồm: khu ga đường sắt cao ở khu vực trung tâm khu quy hoạch (cao 40-70 tầng); khu nghỉ dưỡng đô thị tại khu vực trung tâm quy hoạch (cao 40-60 tầng); khu truyền thông bố cục phía đông khu đất (cao 40-70 tầng); khu lối sống mới bố cục phía tây nam khu đất (cao 40-60 tầng) và khu tài chính, khu kiến trúc bố cục ở phía bắc khu đất lập quy hoạch (cao 40-70 tầng).

Bên cạnh đó có 3 khu thấp tầng gồm: khu thương mại quốc tế (phía tây nam khu đất); khu công viên (phía đông khu đất) và khu văn hóa thấp tầng (phía bắc khu đất).

Cũng theo yêu cầu của UBND thành phố, Sở QH-KT có nhiệm vụ chủ trì xây dựng và trình tập thể UBND thành phố xem xét, cho ý kiến hoặc thông qua Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP. Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống (R6); Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (R1-5); Quy hoạch phân khu đô thị GN (A); Rà soát lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Ngoài ra, Sở QH-KT cũng cần tập trung hoàn thành thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu đô thị (H1-1 (A,B,C); H1-2; H1-3 và H1-4), các đồ án quy hoạch chi tiết trọng điểm và quy hoạch cải tạo (Quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng lụa Vạn Phúc; Quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng, quy hoạch xây dựng lại các khu chung cư cũ gồm Thượng Đình (Thuốc lá Thăng Long), Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, C86 Kim Mã Thượng, Mai Động, Ngọc Khánh, Giảng Võ, Thành Công, Trung Tự, Văn Chương, Kim Liên, Bách Khoa, Nam Đồng, Khương Thượng, Thủy Lợi, Thanh Nhàn, Kim Giang, Vĩnh Hồ, Thành Công).

(Theo Vneconomy) 

2 thg 8, 2019

Dừng lập 3 đồ án quy hoạch chi tiết dự án tại Hạ Long (Quảng Ninh)

Quyết định dừng thực hiện lập 3 đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 do Ban Quản lý Vịnh Hạ Long triển khai thực hiện vừa được UBND tỉnh Quảng Ninh chính thức ban hành.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định dừng đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Trung tâm Bảo tàng sinh thái Hạ Long tại phường Hồng Hải, TP. Hạ Long; Quy hoạch chi tiết 1/500 Trung tâm Văn hóa Làng Chài Cửa Vạn trên Vịnh Hạ Long và Quy hoạch chi tiết 1/500 Tôn tạo cảnh quan tổng thể đảo Ti Tốp trên Vịnh Hạ Long. 


Năm 2002, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt quy hoạch Trung tâm Bảo tàng sinh thái Hạ Long, nhưng trong quá trình thực hiện có sự thay đổi, điều chỉnh về địa điểm xây dựng. Hiện tại, lô đất dự kiến xây dựng đã được điều chỉnh quy hoạch thành Khu khách sạn, dịch vụ cao cấp. Do đó, UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định hủy bỏ các văn bản liên quan đến Quy hoạch tổng thể mặt bằng Trung tâm Bảo tàng sinh thái Hạ Long (17/5/2002) và phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm Bảo tàng sinh thái Hạ Long (04/4/2008).

Đối với quy hoạch tôn tạo cảnh quan tổng thể đảo Ti Tốp trên Vịnh Hạ Long, năm 2010 UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên trong quá trình triển khai đồ án phải thay đổi, điều chỉnh nhiều lần. Sau đó, tỉnh Quảng Ninh đã giao Công ty TNHH Nam Tùng nghiên cứu quy hoạch tổng thể, dự án, phương án đầu tư, phương án quản lý và khai thác dịch vụ tại đảo Ti Tốp.

Còn quy hoạch Trung tâm văn hóa Làng Chài Cửa Vạn trên Vịnh Hạ Long được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương từ năm 2007. Nhưng đến ngày 13/9/2012, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã có chỉ đạo xây dựng Đề án di dời, xử lý nhà bè, làng chài trên Vịnh Hạ Long và UBND tỉnh có quyết định phê duyệt đề án sắp xếp, quản lý, di chuyển nhà bè trên Vịnh Hạ Long, vì vậy Quy hoạch chi tiết Trung tâm làng chài Cửa Vạn trên Vịnh Hạ Long không được tiếp tục triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng quyết định hủy bỏ các văn bản liên quan đến quá trình triển khai lập, thực hiện quy hoạch tôn tạo cảnh quan tổng thể đảo Ti Tốp trên Vịnh Hạ Long đối với Ban Quản lý Vịnh Hạ Long.

(Theo Dân Việt) 

31 thg 7, 2019

Điều chỉnh địa giới 3 quận tại Hà Nội

Tại Hà Nội, một số tổ dân phố đang thuộc địa giới hành chính quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm sẽ được điều chuyển về địa bàn quận Cầu Giấy.

Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội vừa cho ý kiến vào tờ trình của UBND TP Hà Nội về việc điều chỉnh địa giới hành chính ba quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Cầu Giấy.


Theo đề xuất trong tờ trình, toàn bộ diện tích của 8 tổ dân phố (tổ 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32) Bắc Nghĩa Tân đang thuộc địa giới hành chính của phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) sẽ được chuyển về phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy). Khu vực điều chỉnh trên có tổng diện tích hơn 10ha, quy mô dân số hơn 6.000 người.

Cũng theo đề nghị của UBND thành phố, toàn bộ diện tích tự nhiên của tổ dân phố số 28, phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) sẽ được chuyển về phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy). Khu vực đề nghị điều chỉnh có diện tích hơn 1,8ha, dân số hơn 700 người.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban pháp chế HĐND TP. Hà Nội cho hay, hồ sơ điều chỉnh địa giới đã đủ điều kiện và sẽ trình tại kỳ họp HĐND TP. Hà Nội diễn ra trong thời gian tới (ngày 8-10/7).

Ông Nam nói: "Ba quận trên đều được hình thành trên đất của huyện Từ Liêm cũ. Trong quá trình phát triển, chia tách và thành lập mới các đơn vị hành chính đã nảy sinh một số bất cập trong công tác quản lý nên cần phải điều chỉnh".

Theo quy trình, sau khi được sự nhất trí của HĐND TP. Hà Nội, nội dung trên sẽ được báo cáo lên Chính phủ để trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.

Hiện TP. Hà Nội có 1 thị xã, 12 quận, 17 huyện; 177 phường, 21 thị trấn, 386 xã.

(Theo Vnexpress) 

26 thg 6, 2019

TP. Hà Giang được mở rộng thêm gần 3.500ha

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Hà Giang, tỉnh Hà Giang đến năm 2035.
Theo đó, phạm vi nghiên cứu bao gồm TP. Hà Giang hiện hữu (khoảng 13.392,80ha) và khu vực dự kiến mở rộng thuộc huyện Vị Xuyên gồm xã Phong Quang (khoảng 3.478,4ha), thôn Lắp 1 (xã Phú Linh) khoảng 250ha, thôn Tân Đức (xã Đạo Đức) khoảng 245ha, thôn Chang (xã Kim Thạch) khoảng 256ha và thôn Bản Thẳm (xã Kim Thạch) khoảng 304 ha.


Yêu cầu nội dung quy hoạch cần phân tích đánh giá những tác động tới thực trạng phát triển đô thị Hà Giang; đánh giá hiện trạng cơ sở hạ tầng xã hội về y tế, giáo dục, văn hóa thể thao, nhà ở, cây xanh công viên đô thị, không gian công cộng.
Đồng thời, rà soát, đánh giá các quy hoạch, dự án đã và đang triển khai theo đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị xã Hà Giang, tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2007 - 2025. Xác định các vấn đề phù hợp và chưa phù hợp với quy hoạch được duyệt.
Quy hoạch xác định các tiền đề, động lực phát triển để đô thị Hà Giang trở thành trung tâm kinh tế năng động của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, đảm bảo đạt tiêu chí đô thị loại II, có tính đến các yếu tố đặc thù là đô thị vùng cao miền núi phía Bắc.
Về định hướng phát triển không gian và quy hoạch sử dụng đất, cần xác định cấu trúc phát triển không gian đô thị đảm bảo tối ưu về liên kết vùng, nhất là sự liên kết, hỗ trợ Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và các khu vực khác trong tỉnh.
Ngoài ra, xác định các khu vực cảnh quan tự nhiên có giá trị như thảm thực vật phía Đông, phía Tây, hệ sinh thái sông Miện, sông Lô, núi Mỏ Neo, Hàm Hổ,… các giá trị văn hóa, kiến trúc truyền thống của đô thị để gìn giữ và phát huy. Cùng với đó, đề xuất các giải pháp nâng cấp cải tạo các khu vực phát triển hiện hữu, nhất là các khu ở dân cư, cây xanh công viên, không gian công cộng và tiện ích đô thị.
(Theo Trí thức trẻ) 

24 thg 6, 2019

Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030

Bộ Xây dựng vừa được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng cùng các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định nội dung đề xuất điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của UBND TP. Hà Nội.


Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP. Hà Nội có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung đề xuất điều chỉnh cục bộ nêu trên cho Bộ Xây dựng.

Trước đó, vào ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch, TP. Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị, hành chính của cả nước, đô thị loại đặc biệt; đồng thời, là trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học kỹ thuật quan trọng của cả nước; là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Theo đó, thủ đô Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm: Khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, các thị trấn được phân cách bằng hành lang xanh (chiếm 70% diện tích đất tự nhiên của thành phố).

Như vậy, khu vực đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Tây, Nam đến đường vành đai 4 và về phía Bắc với khu vực Đông Anh, Mê Linh; phía Đông đến khu vực Long Biên và Gia Lâm.

Còn 5 đô thị vệ tinh sẽ bao gồm: Đô thị Hòa Lạc, Xuân Mai, Sơn Tây, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Trong đó, mỗi đô thị vệ tinh có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, công nghiệp, dịch vụ…

(Theo Chính Phủ)

19 thg 6, 2019

Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc được Chính phủ "gỡ vướng"

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến về việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong công tác quy hoạch Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.

Cụ thể, về thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 (Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000) và Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 các dự án thành phần thuộc dự án Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, Thủ tướng yêu cầu Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số 464/TB-VPCP ngày 5/10/2017 và số 6113/VPCP-CN ngày 28/6/2018 của Văn phòng Chính phủ.


Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Viện Trần Nhân Tông và Trường Đại học Việt Nhật vào Đề án quy hoạch tổng thể xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội. Tổ chức lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 (Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000) Đại học Quốc gia Hà Nội để bổ sung Viện Trần Nhân Tông, trình Bộ Xây dựng thẩm định, phê duyệt, bảo đảm đúng mục tiêu phát triển, tiết kiệm đất theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 464/TB-VPCP ngày 5/10/2017.

Đại học Quốc gia Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tổ chức lập Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và triển khai đầu tư xây dựng các Viện và Trung tâm nghiên cứu của Đại học quốc gia Hà Nội trên khu đất VNC2 thuộc khu các cơ sở nghiên cứu cao cấp quốc gia theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đúng quy định pháp luật.

Được biết, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án quy hoạch tổng thể xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc với mục tiêu là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học đa ngành, liên ngành với hệ thống hoàn chỉnh các trường, các viện nghiên cứu, các đơn vị thực nghiệm; là một trung tâm văn hóa, một đầu mối giao lưu khoa học và văn hóa có vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam; bảo đảm sự gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ;...

(Theo Chính phủ) 

18 thg 6, 2019

Hà Nội: Xem xét đề án nâng cấp huyện Đan Phượng lên quận trong năm tới

UBND huyện Đan Phượng vừa được TP. Hà Nội yêu cầu thành lập ban chỉ đạo, mời các đơn vị tư vấn, các sở, ngành của thành phố hỗ trợ để xây dựng đề án phát triển huyện thành quận, trình thành phố xem xét vào đầu năm 2019.


Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng lãnh đạo các sở ngành vừa có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt huyện Đan Phượng vào sáng ngày 2/11. Nội dung buổi làm việc là về tình hình phát triển KTXH, đảm bảo an ninh quốc phòng 10 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm.

Kết thúc buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Chung phát biểu: "Huyện Đan Phượng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong những năm qua, đặc biệt 10 tháng đầu năm nay. Cụ thể, kinh tế phát triển tăng trưởng cao (9,3%); cấp sổ đỏ đạt 99%; thu ngân sách đạt cao; an sinh xã hội được đảm bảo, việc sửa chữa, xây mới nhà ở cho người nghèo đã hoàn thành; việc cung cấp đất dịch vụ cho người dân cũng cơ bản hoàn thành; trong lĩnh vực nông nghiệp, Đan Phượng đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp như chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao;...

Cũng theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Đan Phượng là huyện nằm trong vùng văn hóa xứ Đoài, có tốc độ đô thị hóa, hạ tầng cơ sở phát triển nhanh và có nhiều tiềm năng phát triển, vì vậy đề nghị tập thể lãnh đạo huyện thành lập ban chỉ đạo, mời các đơn vị tư vấn, các sở, ngành của thành phố hỗ trợ để xây dựng đề án phát triển huyện thành quận, trình thành phố xem xét vào đầu năm 2019.

(Theo Trí thức trẻ) 

13 thg 6, 2019

Điều chỉnh quy hoạch hai sân Golf ở Phú Quốc

Theo quy hoạch được trình vào sáng ngày 15/3, Phú Quốc sẽ thực hiện chuyển dịch vị trí của sân golf 220ha từ Bãi Sao sang Bãi Khem với diện tích điều chỉnh giảm còn 165ha.

Tiếp nhận ý kiến điều chỉnh lại hai sân Golf từ Văn phòng Chính phủ, Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang cùng UBND huyện Phú Quốc đã kết hợp tổ chức họp lấy ý kiến về điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc (Kiên Giang) vào ngày 15/3, trong đó, có đề cập đến nội dung điều chỉnh lại quy hoạch hai sân Golf. 


Cụ thể, đất du lịch sinh thái tại Bãi Sao với diện tích 275ha (trong đó có 220ha đất sân golf) sẽ được chuyển đổi thành đất du lịch (41,3ha), đất cây xanh cảnh quan (36ha), đất công viên chuyên đề (1,8ha), đất dịch vụ (5ha) và đất đô thị du lịch đa chức năng (192,7ha); chuyển 12,3ha đất rừng phòng hộ thành đất công viên chuyên đề (4,7ha)và đất đô thị đa chức năng (7,6ha).

Tại xã Bãi Thơm, sẽ chuyển dịch khoảng 130ha đất nông nghiệp sang thành đất du lịch, chuyển 12,6ha đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn, làng chài có bố trí khu hậu cần nghề cá được giữ lại.
Sân golf trên địa bàn xã Bãi Thơm cũng được điều chỉnh chuyển về Đồng Cây Sao (xã Cửa Dương) với diện tích 230ha và khu tái định cư rộng 300ha.

Hiện trên đảo Phú Quốc có khoảng 208 dự án du lịch với tổng diện tích khoảng 4.895ha. Huyện đảo sẽ tiến hành điều chỉnh diện tích đất biệt thự thành đất ở, không hình thành đơn vị ở đối với các dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Điều chỉnh 20% quỹ đất sang đất ở nhưng không hình thành đơn vị ở, có thể bao gồm cả căn hộ cao tầng đối với đất du lịch chưa lập quy hoạch chi tiết. 

Dân số hiện tại ở Phú Quốc là khoảng trên 124.000 dân. Dự báo, dân số trên đảo đến năm 2030 có thể tăng lên 470.000 dân, cộng thêm 85.000 khách du lịch, tổng số dân trên đảo vào năm 2030 có thể lên tới 550.000 dân. Điều này buộc Phú Quốc phải tính đến phương án dành hơn 10ha đất để chôn lắp và xây dựng nhà máy xử lí rác. Bởi, nếu tính trung bình một người dân thải ra 1kg rác/ngày đêm thì đến năm 2030, huyện đảo này sẽ có đến có 550 tấn rác thải.

Cũng trong cuộc họp, lãnh đạo Phú Quốc đã đề nghị mở rộng diện tích 2 thị trấn là Dương Đông và An Thới, tập trung xây dựng hệ thống xử lí nước thải, khơi thông cống rãnh, suối, hồ, sông… để khâu thoát nước ra biển được tốt hơn, nhất là vào mùa mưa.

(Theo Dantri.com.vn)

9 thg 6, 2019

Đồ án điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị Bàu Giang, Quảng Ngãi được phê duyệt

Phương án điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu đô thị Bàu Giang tỷ lệ 1/500 vừa mới được UBND tỉnh Quảng Ngãi kỹ quyết định thông qua.

Tổng diện tích Khu đô thị Bàu Giang theo phương án điều chỉnh là 494.887m2, được quy hoạch đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nhằm khai thác quỹ đất hợp lý, đáp ứng tốt hơn nhu cầu dân sinh cho TP. Quảng Ngãi.


Quy hoạch các khu nhà liền kề, khu biệt thự với sự đồng bộ về kiến trúc cũng như màu sắc, tạo nên nét đặc trưng cho bộ mặt đô thị. Tầng cao nhà ở và mật độ xây dựng được khống chế, ưu tiên diện tích cây xanh trong công trình.

Vườn hoa cây xanh được quy hoạch hợp lý, nhằm đảm bảo vai trò bảo vệ môi trường, cải thiện bầu khí hậu cho khu đô thị. Bãi đỗ xe được bố trí kết hợp trong vườn hoa cây xanh. Dọc theo sông Bàu Giang cùng các tuyến phố chính cũng như trong các công trình, khu ở được quy hoạch bố trí cây xanh, kết hợp với vườn hoa cây xanh của khu vực, tạo nên sự hài hòa, thống nhất cho không gian đô thị.

Bố trí nguồn điện ngầm, chạy theo các trục đường đô thị. Hệ thống thoát nước được dùng công tự chảy HDPE D300, chạy dọc theo các tuyến đường với trạm xử lý nước thải có công suất 500m3/ngđ nằm ở phía Đông Nam của sông Bàu Giang.

(Theo Báo Xây dựng Online) 

7 thg 6, 2019

Chủ tịch TP. Hà Nội: Không cho phép tòa nhà cao tầng nào vượt quy hoạch

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, từ khi lên làm lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đến nay, ông không ký cho bất kỳ một tòa nhà cao tầng nào vượt quy hoạch.

Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội sáng 10/4, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện mới chỉ có 3 dự án trong nội đô được thành phố đề nghị Thủ tướng cho điều chỉnh so với quy định tại “Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu vực nội đô lịch sử” (quyết định 11 ngày 7/4/2016 của UBND TP. Hà Nội).


Theo vị lãnh đạo TP. Hà Nội, từ khi chưa có quy hoạch chung (năm 2011), chủ đầu tư các dự án này đã thuê đơn vị nước ngoài thiết kế hoàn thiện dự án có chiều cao 14 tầng. Nhưng sau khi có quy hoạch chung, các công trình này bị hạ xuống còn 12 tầng.

"Để tháo gỡ những khúc mắc giữa hai văn bản trên, theo thẩm quyền TP. Hà Nội đã trình Thủ tướng xem xét. Tuy nhiên từ hồi đó đến nay, Thủ tướng cũng không giải quyết cho trường hợp nào”, ông Chung cho biết.

Ông Chung chia sẻ thêm, sau khi đảm nhiệm vị trí Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông mạnh dạn ký ban hành Quyết định 11 (ngày 7/4/2016) về “Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu vực nội đô lịch sử”. Quyết định này được lớp lãnh đạo trước (từ năm 2010 đến 2016) đưa ra bàn bạc tới 36 cuộc họp.
Nhận những vấn đề liên quan đến nhà cao tầng trong nội thành có nhiều khúc mắc, nên sau cuộc họp thứ 37 ông Chung đã mạnh dạn ký Quyết định 11 và công bố công khai trên mạng.

"Từ lúc lên làm lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đến nay, tôi không ký một cái nào vượt quá Quyết định 11. Quyết định 11 quy định chiều cao tầng của tất cả các tuyến phố trong nội đô lịch sử. Vì vậy, thành phố thực hiện đúng như thế, không có chỗ nào cho nâng tầng cả", ông Chung khẳng định.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, sau khi Quy hoạch chung Thủ đô được phê duyệt vào năm 2011, thành phố đã triển khai xây dựng nhiều quy hoạch phân khu. Trước năm 2015, có 32/35 quy hoạch phân khu được phê duyệt. Hiện tại đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 4 quận nội đô và khu lịch sử Ba Đình. Cùng với đó, TP. Hà Nội đang xây dựng bổ sung quy hoạch các huyện ngoại thành.

Ông Chung cho biết, đối với những dự án đã thực hiện theo quy hoạch từ trước như thời kỳ Hà Tây hoặc trước khi có Quy hoạch chung Thủ đô, thì nay phải điều chỉnh đúng theo quy hoạch phân khu chứ không có nghĩa điều chỉnh là tăng tầng.

(Theo Tiền phong Online) 

2 thg 6, 2019

FLC muốn làm 3 dự án du lịch nghỉ dưỡng tại Bắc Kạn

Mới đây, Công ty CP Tập đoàn FLC đã đề xuất phương án đầu tư 3 dự án du lịch nghỉ dưỡng với tổng diện tích hơn 2.600ha trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Cụ thể, Khu du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí và đô thị sinh thái hồ Ba Bể, thuộc huyện Ba Bể, có quy mô diện tích hơn 1.400ha. Dự án sẽ được thực hiện với các hạng mục như: khu nhà ở sinh thái, công viên mạo hiểm, du lịch ven sông, resort năm sao, sân golf 18 lỗ...


Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí và đô thị sinh thái Quảng Khê với quy mô diện tích hơn 500ha, thuộc huyện Ba Bể. Dự án sẽ triển khai các hạng mục như: khu đô thị du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng, nhà dịch vụ bên sông...

Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí và đô thị sinh thái bắc Sông Cầu với quy mô diện tích hơn 690ha, nằm trên địa bàn TP. Bắc Kạn. Tại đây, ngoài các hạng mục như khu nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái, đô thị sinh thái..., chủ đầu tư còn xây dựng khu đô thị mới rộng gần 50ha, nằm phía sau đồi tỉnh ủy.

Theo thông tin từ ông Lê Thành Vinh - Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, doanh nghiệp đã lên kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng cho các dự án này. Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư cho các dự án mới đề xuất lại không được đại diện FLC tiết lộ.

Tập đoàn FLC trong thời gian gần đây liên tục đề xuất về những dự án lớn trên khắp đất nước. Các dự án này không chỉ nằm ở các thành phố lớn, mà còn được thực hiện ở cả những tỉnh vùng cao. Theo đó, đầu năm 2019, FLC đã đề xuất đầu tư xây dựng sân vận động quy mô sử dụng 1.000-2.000 ha với sức chứa lên tới 100.000 chỗ ngồi và có cả đường đua công thức một. Tiếp sau là kiến nghị xây nhà ga T3 tại Tân Sơn Nhất. Đến tháng 3/2019, tập đoàn lại tiếp tục đề xuất đầu tư xây dựng 3 dự án nghỉ dưỡng, sinh thái, vui chơi giải trí... trên địa bàn tỉnh Hà Giang với tổng diện tích 1.400ha. Song, tổng mức đầu tư của các dự án nằm trong đề xuất đều không được FLC đề cập tới.

(Theo vnexpress) 

30 thg 5, 2019

Đánh giá hiện trạng 3.500 ngôi nhà thuộc khu vực làm ga metro ngầm

Hà Nội sẽ tiến hành khảo sát tuổi thọ và hiện trạng của các ngôi nhà nằm trong khu vực làm ga metro ngầm để có thể đưa ra biện pháp thi công hợp lý nhất.
Theo thông tin từ Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội hiện đã hoàn thành gần 49% tiến độ, riêng đoạn trên cao đã đạt được gần 99%.


Sẽ có hàng chục ngôi nhà, cơ quan, đơn vị nằm trong diện giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công công trình ga ngầm. Và có hơn 3.500 tòa nhà, công trình lân cận công trường các ga ngầm từ ga S9 – Kim Mã tới ga S12 – Ga Hà Nội sẽ được Ban quản lý dự án đường sắt đô thị khảo sát, đánh giá trong thời gian tới.
Hiện trạng của các ngôi nhà sẽ được nhóm nghiên cứu thực hiện đánh giá dựa theo quy chuẩn thế giới. Nhóm cũng sẽ có buổi làm việc với UBND phường để trao đổi về nội dung dự án, kế hoạch đánh giá hiện trạng các ngôi nhà; đồng thời, thông báo thông tin đến các hộ dân có nhà nằm trong diện khảo sát; các mục sẽ được khảo sát hiện trạng bao gồm phần tường trong, ngoài, sàn nhà...
Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, các nhà thầu thi công hiện đang tập trung làm hầm và 4 ga ngầm, gói thầu đến nay đã đạt trên 4% tiến độ.
Theo thông tin được đại diện nhà thầu là liên danh Hyundai - Ghella (Hàn Quốc, Italy) đưa ra tại cuộc làm việc giữa lãnh đạo TP. Hà Nội với các bên liên quan hồi cuối tháng 3, gói thầu có 4 ga ngầm nhưng hiện mới chỉ nhận được mặt bằng của ga S9 và một phần mặt bằng của ga S10; còn 2 ga S11 và 12 vẫn chưa bàn giao mặt bằng.
Được đầu tư với tổng vốn lên tới hơn 36.000 tỷ đồng, tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội có tổng chiều 12,5km, trong đó, có 8,5km đi trên cao từ Nhổn đến Kim Mã, 4km đi ngầm từ Kim Mã đến ga Hà Nội. Cùng với đó là 8 ga trên cao, 4 ga ngầm và khu depot tại Nhổn.
Mục tiêu được Ban Quản lý dự án đặt ra là, vào năm 2020 sẽ đưa đoạn trên cao vào khai thác, đồng thời, dự kiến sẽ đưa 4km đi ngầm từ Kim Mã đến ga Hà Nội vào hoạt động trong năm 2022.

(Theo vnexpress) 

29 thg 5, 2019

Đất nền quận 9 vẫn chưa giảm độ "hot"

Dù giá đất nền quận 9 đang rất cao và gần như không có thêm nguồn cung mới nhưng mức độ quan tâm khu vực này chưa từng giảm nhiệt.
Cụ thể, theo dữ liệu trực tuyến của Batdongsan.com, trong tháng 4 vừa qua, quận 9, Bình Chánh, Thủ Đức, Củ Chi và quận 12 là những địa bàn được quan tâm nhiều nhất về đất nền, thổ cư. 


Trong đó, mức độ quan tâm của người mua, nhà đầu tư đối với đất nền, thổ cư quận 9 lập đỉnh vào tháng 3, tăng gấp đôi so với tháng 2, sau đó giảm nhẹ vào tháng 4. Mặc dù nhu cầu có sự biến động liên tục nhưng nhìn chung, quận 9 vẫn là địa bàn thu hút sự quan tâm lớn nhất so với 4 quận còn lại.
Năm 2018, sau khi liên tục sốt nóng, thị trường đất nền, thổ cư quận 9 bắt đầu chững vào cuối năm. Tuy nhiên, qua kì nghỉ Tết 2019, khi có quyết định mở rộng một số tuyến đường khu Đông, nhà đất quận 9 sôi động trở lại.
Dữ liệu khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy, lượng tin rao bán đất nền, thổ cư quận 9 bắt đầu tăng nhẹ vào tháng 2 và lập đỉnh vào tháng 3 với mức tăng 108%, trùng khớp với thời điểm lập đỉnh về mức độ quan tâm của người dùng.
Nhu cầu tăng mạnh, cùng với thông tin mở đường khiến giá đất nền, thổ cư tại đây tiếp tục leo thang. Theo dữ liệu trực tuyến của Batdongsan.com.vn, giá nhà đất quận 9 trung bình hiện vào khoảng 28,9 triệu đồng/m2, nhưng tại một số điểm nóng, giá rao bán cao hơn mặt bằng chung rất nhiều.
Cụ thể, khảo sát thực tế của Batdongsan.com.vn tại thời điểm tháng 3/2019 cho thấy, đất trung tâm mặt tiền đường Đỗ Xuân Hợp có giá 90 triệu đồng/m2, vị trí sâu bên trong cũng có giá 50 triệu đồng/m2. Đất nền trên đường Xa Lộ Hà Nội, vị trí gần ngã tư Thủ Đức được chào bán với giá 150-160 triệu/m2. Khu vực từ cầu Nam Lý đến đường Nguyễn Duy Trinh giá đất mặt tiền có nơi chạm mức 90-145 triệu/m2. Tuyến đường Liên Phường đang mở rộng, khu vực đông dân cư có giá khoảng 90-120 triệu/m2, khu vực thưa dân hơn giá cũng vào khoảng 70-80 triệu/m2.
Vị trí giao điểm của hầu hết các công trình giao thông huyết mạch (Xa lộ Hà Nội, cao tốc Long Thành – Dầu Giây, Metro Bến Thành – Suối Tiên); cơ sở hạ tầng đã hình thành và được quy hoạch bài bản; nằm kề khu công nghệ cao thu hút các tập đoàn nước ngoài; gần quận 2… là những lợi thế giúp gia tăng giá trị cho bất động sản quận 9.
Sau nhiều đợt sốt nóng, giá đất tại quận 9 đã cao chót vót, nhưng do nguồn cung khan hiếm nên giá tiếp tục neo cao dù thị trường thực tế không có nhiều giao dịch.

Ngọc Sương
(Theo Tuổi trẻ Online)