Sao cứ cháy nhà, chết người, rồi mới “rà soát”, “xử nghiêm”
“Hôm nay sập mỏ khai thác đá, vài chục người chết, hôm sau lại sạt lở bãi thải, vài gia đình bị chôn vùi, rồi lật du thuyền hoạt động trái phép, nhiều người mất mạng, cháy cơ sở karaoke tại Hà Nội làm chết nhiều người… Cứ để mọi việc xảy ra rồi đại diện chính quyền mới tuyên bố sẽ rà soát, kiểm tra, xử nghiêm sai phạm”…
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương phát biểu tại hội trường Quốc hội chiều 2/11.
|
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội chiều 2/11.
Khái quát về những kết quả phát triển kinh tế xã hội đạt được trong năm 2016, Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội ghi nhận, vai trò lãnh đạo, nỗ lực của Chính phủ. Nhưng ông Cương cũng cảnh báo, nếu không nâng cao hơn nữa chất lượng quản lý nhà nước ở các cấp chính quyền, thì kết quả đạt được khó bền vững.
“Sao Chính phủ quyết liệt vậy mà xã hội vẫn tràn những chuyện bức xúc. Tất cả mọi chuyện đều có chung nguyên nhân là sự vận hành của bộ máy quản lý nhà nước không tốt, hành động của đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi. Mà vấn đề gì xảy ra cũng có thể giải thích bằng nguyên nhân buông lỏng quản lý” – ông Cương phân tích, đáng lý quản lý Nhà nước phải trước một bước thì thực tế công tác này lại luôn… chạy theo vấn đề cần quản.
Phó chủ nhiệm UB đối ngoại của Quốc hội điểm lại hàng loạt vụ việc đau lòng vẫn xảy ra từng ngày, hôm nay thì sập mỏ khai thác đá, vài chục người chết, hôm sau lại sạt lở bãi thải, vài gia đình bị chôn vùi, rồi lật du thuyền hoạt động trái phép, nhiều người mất mạng… Mới đây nhất, ông Cương đề cập đến vụ cháy cơ sở karaoke ở Hà Nội, làm chết nhiều người xảy ra chiều hôm qua, 2/11.
“Cứ để mọi việc xảy ra rồi đại diện chính quyền mới đến, tuyên bố sẽ rà soát, kiểm tra và xử nghiêm sai phạm. Lẽ ra việc đó phải làm từ lâu rồi chứ không đợi đến khi tai nạn xảy ra mới làm” – ông Cương phân tích.
Đi sâu vào vấn đề bộ máy nhân lực, đại biểu cho rằng, điều đáng nói là trong lúc đội ngũ cán bộ, công chức đông, tinh giảm biên chế thì gần như dậm chân tại chỗ. Đại biểu đặt câu hỏi, số lượng cán bộ, công chức nhiều mà có những nơi việc quản lý nhà nước không được thực hiện nghiêm túc thì những người ăn lương nhà nước đó làm gì?
Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại cho biết, nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ phản ánh, chính quyền và lực lượng chức năng đóng trên địa bàn việc gì cũng biết, từ việc trên địa bàn có bao nhiêu doanh nghiệp, kinh doanh, sản xuất gì “họ biết tuốt” và một số nơi, việc cán bộ “thăm hỏi” đơn vị là thường xuyên.
“Thăm hỏi không phải là để kiểm tra, xem xét gì mà chỉ để xin kinh phí hỗ trợ, mà một số người uất ức nói là… xin đểu” - ông Cương nói.
Đại biểu thông tin thêm, việc “thăm hỏi” để xin trước đây chỉ diễn ra dịp Tết Nguyên đán nhưng nay thì dịp lễ nào cũng… xin, nghỉ hè cũng… xin, thậm chí tổ chức hội nghị, thi đấu thể thao cũng… xin. Việc “cho” là tùy tâm ở doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhưng không cho thì sẽ chuốc lấy khó dễ. Một số chủ doanh nghiệp nói họ chẳng làm gì sai cả nhưng… đành chấp nhận.
0 nhận xét: